THẦY TÔI

Đăng lúc: 07:29:50 21/10/2022 (GMT+7)

Riêng tôi có nỗi buồn lặng, buồn riêng từ đáy lòng. Thầy cô tề tựu đông đủ, nhưng trong đó vắng thầy tôi, thầy Nguyễn Hữu Vậy. Thầy ra đi vào một ngày buồn tháng 11, khi gió heo may hun hút, và lau xám phất phơ lay dọc triền sông Mã, vừa đúng lúc thầy hoàn tất thủ tục về nghỉ hưu. Phải, thầy chưa một ngày nghỉ hưu, và chưa được gọi tên cựu giáo chức, để lại nỗi xót xa trong lòng đồng nghiệp và những thế hệ học trò... Tôi lạc trong những kỉ niệm về thầy...

 Một ngày cuối tháng 6.

Cuộc hội ngộ bất ngờ của các cựu thầy cô từng giảng dạy tại trường trung học phổ thông Yên Định 2. Từng cái bắt tay nồng hậu, những vòng tay ôm thắm thiết, những tiếng reo vui và nụ cười rạng rỡ trên gương mặt thầy cô khi bất ngờ gặp lại nhau sau bao tháng ngày xa cách. Không khí náo nức và cảm động. Những câu chuyện hàn huyên, những kỉ niệm được gợi nhắc khiến thầy cô như trẻ lại, lũ hậu sinh chúng tôi cũng nghe lòng rưng rưng…

Riêng tôi có nỗi buồn lặng, buồn riêng từ đáy lòng. Thầy cô tề tựu đông đủ, nhưng trong đó vắng thầy tôi, thầy Nguyễn Hữu Vậy. Thầy ra đi vào một ngày buồn tháng 11, khi gió heo may hun hút, và lau xám phất phơ lay dọc triền sông Mã, vừa đúng lúc thầy hoàn tất thủ tục về nghỉ hưu. Phải, thầy chưa một ngày nghỉ hưu, và chưa được gọi tên cựu giáo chức, để lại nỗi xót xa trong lòng đồng nghiệp và những thế hệ học trò... Tôi lạc trong những kỉ niệm về thầy...

Thầy chủ nhiệm tôi năm lớp 7, cả lớp chỉ có 7 đứa học chuyên văn, và cũng chỉ có một đứa con trai. Thầy ngày ấy còn trẻ, dáng người cao gầy và rất hiền. Thầy nuông chiều sáu đứa con gái và cực kì nghiêm khắc với đứa con trai duy nhất. Bọn yêu nữ đã lợi dụng triệt để điều này để chèn ép Vĩ, cậu bạn mì chính cánh trong lớp, mặt khác để làm nũng thầy. Ngày đó cơ sở vật chất còn nghèo, lớp học là một phòng nhỏ của khu điều hành trạm y tế cũ, cùng khu nhà với văn phòng - nơi nghỉ giải lao giữa các tiết học của thầy cô. Phòng học có hai cửa thông với cả hành lang trước và sau. Trong phòng kê được một cái bảng, bàn giáo viên và ba bàn học sinh. Dĩ nhiên Vĩ ngồi bàn sau cùng. Mỗi lần thầy quay lên bảng, những đứa bàn trên lại dở trò với cậu bạn ngồi dưới; nhưng thầy quay xuống sáu đứa hai bàn trên lại yên vị, vẻ mặt nghiêm trang. Vĩ tức ói máu nhưng không làm được gì nên ra chơi báo thù, đuổi đánh mấy đứa con gái. Cả bọn kéo nhau chạy lại cửa văn phòng, léo nhéo:

- Bố ơi, bạn Vĩ đánh bọn con!

 Thầy nhăn mặt bước ra:

  - Là con trai đuổi đánh con gái mà không xấu hổ à?

Vĩ dứ nắm đấm rồi chạy mất. Bọn con gái bày vẻ mặt oan ức khi thầy mắng: “Cả mấy đứa nữa, léo nhéo vừa thôi!” rồi khúc khích cười đắc trí, tản ra ngoài sân chơi.

Thời gian thoi đưa, chúng tôi như chim đủ lông cánh bay khắp phương trời. Thầy từ cấp 2 chuyển công tác sang phòng giáo dục huyện, rồi về dạy cấp 3. Tôi hội ngộ với thầy với tư cách là đồng nghiệp, cùng tổ chuyên môn. Một lần nữa, thầy như một người cha, một người bạn, không ngại chỉ bảo, uốn nắn cho tôi bất kể trong công việc hay cuộc sống. Tôi nhớ có lần gặp chuyện bất như ý trong công việc, tôi chán nản bất cần, thầy mắng: “Còn trẻ đã thoái chí, phải biết cái gì nên để tâm. Mình dạy dỗ thì trung tâm chú ý của mình là học sinh thôi”. Dạy đội tuyển, học sinh lười học làm nhiệt huyết trong tôi cũng nguội bớt, thầy nhắc nhở: “Chán cũng không được thể hiện ra bên ngoài, cô mà nguội lạnh thì học trò còn rệu rã đến đâu. Muốn có chất lượng thì bản thân phải giữ vững đam mê và phải truyền được đam mê đó cho học sinh”. Tôi mệt mỏi vì cuộc sống gia đình, mặt mày ủ ê, phiền não, thầy lại nhẹ nhàng: “Cuộc sống vốn phức tạp, cái gì để tâm được thì để tâm, cái gì không đáng thì buông bỏ. Để tâm sức mà chăm lo cho con cái”. Tôi bầu bì bị dính cúm, thầy hái thuốc nam trong vườn nhà đem đến: “Sắc uống, gắng ăn cho mau khỏe đừng để kéo dài”. Thầy khuyên: “Mùa đông ăn nhiều cam cho đỡ khô da và tăng sức đề kháng”. Cứ nhẹ nhàng và bình dị, quan tâm sâu sắc đến thế, thầy hết lòng vì học sinh và bao dung với đồng nghiệp. Tôi trưởng thành và chín chắn hơn, phần nào nhờ sự chỉ dẫn của thầy. Tôi gắng học ở thầy sự “biết đủ” trong cuộc sống, cái nhìn đôn hậu với học sinh và đặc biệt là sự tĩnh tâm khi đối diện những thăng trầm, được mất ở đời.

Tôi đâu biết thầy tôi cô đơn thế, cũng đâu hay sức khỏe của thầy thật nhiều vấn đề. Điều tôi thấy, chỉ là ông Bụt của tôi sống rất tích cực, hay đọc sách, chơi cờ, hay thể thao, đặc biệt sáng nào cũng đi bộ rất đều. Tôi còn trêu thầy khi thầy làm thủ tục về nghỉ chế độ sớm: “Thầy về hưu rồi mặc đẹp cho ai ngắm!”. Thầy trầm giọng: “Nghỉ thôi, dành chỗ cho người khác”.

Tôi bàng hoàng nghe tin thầy đột quỵ. Cứ như thế thầy hôn mê sâu rồi lặng lẽ ra đi ngay trước thềm lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Thầy về chốn vĩnh hằng, bước nhẹ tênh, bỏ lại phía sau tất cả buồn vui một đời người. Tôi gói ghém nỗi buồn và day dứt để tiếp tục sống, làm việc.

Thầy ơi! Nơi ấy bây giờ có lau xám? Cái màu xám hắt hiu dọc triền sông từng đi vào thơ thầy. Nơi ấy bây giờ, thầy thảnh thơi nhẹ bước tiêu dao. Con sẽ khắc ghi lời thầy và gắng sống thật có ích, thật nhàn tâm, con sẽ giống như thầy, sống “ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp”, “được mất dương dương người thái thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong” … Con xin mượn lời một bài thơ tâm đắc làm nén tâm hương thành kính tưởng nhớ thầy:

THẦY ƠI

Vẫn còn đây những bản “Tình ca”

Thầy đã hát từ thời “Thanh niên sôi nổi”

“Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng để gió cuốn”

Không “bay về đây” mà về tận cuối trời…

 

Vầng Trăng đi về “miền biên viễn” xa xôi

Vẫn vằng vặc bao điều chưa kịp tỏ

Con tức tưởi khóc òa như đứa trẻ

Nức nở gọi Thầy tê tái chiều đông!

 

Qua những vô thường, qua những bão giông

Vầng Trăng yêu thương vẫn thiện lành, thơ trẻ

Chắt chiu âm thầm, hiến dâng lặng lẽ

Trọn vẹn cuộc đời, trọn vẹn những mùa xuân

 

Con ngỡ như Thầy vẫn ôm đàn

“Khi cất lên tiếng ca” để người phương xa yên lòng chờ đợi

Thầy vẫn đang mỉm cười sau làn hương khói

“Nói với nhau nghìn lời qua đôi mắt xanh”

                Yên Định 2, Tháng 9/ 2022 - Phạm Thị Mai – Gv bộ môn Ngữ văn