LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH TRƯỜNG THPT YÊN ĐINH 2

Đăng lúc: 16:24:39 14/10/2022 (GMT+7)

Lịch sử trường THPT Yên Định 2 50 năm xây dựng và trưởng thành (1972-2022): Chương 1:TRƯỜNG CẤP 3 YÊN ĐỊNH 2 ĐƯỢC THÀNH LẬP NĂM HỌC ĐẦU TIÊN 1972-1973“ NHỮNG LỚP HỌC TRONG TIẾNG BOM”.

Chương 1:

TRƯỜNG CẤP 3 YÊN ĐỊNH 2 ĐƯỢC THÀNH LẬP
NĂM HỌC ĐẦU TIÊN 1972-1973

“ NHỮNG LỚP HỌC TRONG TIẾNG BOM.

 

1. Bối cảnh lịch sử

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào đầu những năm 1970 là thời kỳ ác liệt nhất. Đất Thanh Hoá nơi đâu cũng trở thành trọng điểm đánh phá. Vậy mà với truyền thống hiếu học của một dân tộc Đất nước hoá thành văn‘’ Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Yên Định vẫn không ngừng phát triển. Trong tình hình đó, trường cấp 3 Yên Định không còn đáp ứng đủ nhu cầu của hàng nghìn học sinh trong huyện có ước mơ đội mũ rơm đến trường”. Việc phải mở rộng quy mô đào tạo là tất yếu .

Tháng 7 năm 1972 theo quyết định của Chủ tịch UBHC tỉnh Thanh Hoá (Số 565 TC/UBTH, ngày 25 tháng 7 năm 1972), trường cấp 3 Yên Định 2 được thành lập phục vụ giáo dục và đào tạo cho con em các xã vùng Yên của huyện.

Tháng 8 trời còn nóng, mưa dầm, cả trường đang nghỉ hè. Thực hiện Quyết định đó, UBHC huyện Yên Định và Ban lãnh đạo trường cấp 3 Yên Định 2 đã nhanh chóng triển khai kế hoạch và hoàn tất các thủ tục cần thiết tổ chức cho Thầy và Trò di chuyển một phần cơ sở vật chất, trang thiết bị ít ỏi từ Quán Lào lên địa điểm trường mới là làng Yên Lý và Hà Đông thuộc 2 xã Yên Bái và Yên Trung. Dưới sự điều hành của thầy Lê Văn Thắng (Hiệu phó nhà trường), Thầy Trò đã vượt hàng chục km vận chuyển bằng phương tiện thô sơ, tổ chức lao động hàng tháng trời ròng rã, đào hào đắp luỹ, huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh nhanh chóng dựng lên những lán học dưới hầm sâu tránh bom Mỹ kịp khai giảng năm học mới. Nhờ có sự lao động cật lực của Thầy, Trò và sự ủng hộ, che chở của nhân dân địa phương về mọi mặt - Trường kịp thời khai giảng năm học mới giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lên đến đỉnh cao với quy mô ác liệt nhất, và điều kỳ lạ là chính thời khắc ấy - tháng 9 năm 1972 Trường cấp 3 Yên Định 2 chính thức tổ chức Lễ khai giảng năm học đầu tiên 1972-1973 trước sự vui mừng, phấn khởi, tin tưởng của Thầy, Trò và nhân dân các  xã vùng Yên. Đó là mốc cắm đầu tiên cho lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường.

2. Tiếp tục xây dựng cở sở vật chất và hoạt động dạy năm học đầu tiên

Năm học đầu tiên (1972 -1973) được khai giảng, sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương về cơ sở vật chất, đội ngũ, công tác tuyển sinh...Trường chỉ có 28 cán bộ giáo viên phần lớn được chia tách từ trường cấp 3 Yên Định (BGH: 2 người, giáo viên: 23 người, CB hành chính 3 người) và 12 lớp học sinh: 6 lớp từ cấp 3 Yên Định về; khối 10: 2 lớp (10A, 10B); khối 9: 4 lớp (9A,9B,9C,9D) và tuyển mới khối 8: 6 lớp (8A đến 8E), trong đó có 3 lớp khối 8 là học sinh K8 (học sinh Quảng Trị); tổng số là 600 học sinh.

* Ban GH gồm:  Thầy Nguyễn Văn Uẩn: Hiệu trưởng từ Hoàng Hoá chuyển về.

            Thầy Phạm Ngọc Căng  : P.Hiệu trưởng từ Quảng Bình chuyển ra.

* Chi bộ Đảng có  8  đảng viên:  Bí thư chi bộ: Thầy Đỗ Ngọc Tạo (GV Sinh).

* Chủ tịch Công đoàn: Thầy  Lê Đức Việt (GV Toán)                                                       * Thư ký Hội Đồng: Thầy Đỗ Ngọc Tạo (GV Văn)                

* Bí thư đoàn trường : Thầy Hồ Hồng Quảng (GV Toán)

          Xin được nêu tên các thầy cô giáo và các bác là cán bộ của trường trong năm học đầu để các thế hệ sau mãi mãi biết ơn sự cống hiến, những người đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi trường THPT Yên Định 2 ngày nay.

- Giáo viên môn Văn: Thầy Trịnh Truy, Thầy Nguyễn Doanh, Chầy Chung Văn Thơi, Thầy Trần Phong Nhã, cô Phạm Thị Hương.

- Giáo viên môn Toán: Thầy Hồ Hồng Quảng, Thầy Lê Đức Việt, Thầy Lê Trung Khôi, Thầy Nguyễn Văn Cư, Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Cô Lê Thị Thái

- Giáo viên môn Lý: Thầy Nguyễn Cảnh Trung, Thầy Nguyễn Ngọc Minh, Thầy Trịnh Huy Viêm.

- Giáo viên môn Hoá: Cô Nguyễn Thị Khe, cô Phạm Thị Tĩnh, cô Trần Thị Tân.

- Giáo viên Sinh: Thầy Đỗ Tạo, cô Vũ Thị Bưởi.

- Giáo viên Sử: Thầy Trịnh Đình Thiệu

- Giáo viên Địa: Thầy Nguyễn Thế Vũ

- Giáo viên GDCD: Thầy Nguyễn Thanh Liêm

- Giáo viên Thể dục: Thầy Lê Văn Tính

- Cán bộ Hành chính: Bác Hoàng Ngọc Tuynh (văn phòng); Bác Lê Thị Vừng (cấp dưỡng); Bác Lê Thị Ớt (lao công).

          Năm đầu thành lập cực kỳ khó khăn về mọi mặt hầu như từ hai bàn tay trắng, cơ sở vật chất hầu như không có gì. Thầy cô giáo phải ăn ở, làm việc trong nhà dân, họp hội cũng trong nhà dân (lúc bấy giờ văn phòng nhà trường làm việc tại nhà Bà Ân, xã Yên Bái), chỉ có một nhà lợp tranh vách đất dành cho bộ phận hành chính ở và làm việc. Thư viện, phòng thí nghiệm, sách giáo khoa cho học sinh hầu như không có gì. Cả trường có 7 lán học làm bằng tre, lợp tranh được đặt trong vườn cây của nhà dân 2 làng Yên Lý (Yên Bái ) và Hà Đông (Yên Trung), xung quanh đào hào đắp luỹ để tránh bom Mỹ, bàn ghế làm bằng luồng. Các lán học đặt cách xa nhau, xa nhất tới 300- 400 mét. Dạy và học trong điều kiện đó cộng với sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Khó khăn tưởng chừng không vượt nổi. Ban lãnh đạo và các thầy cô đã bám trường, bám lớp vượt lên khó khăn gian khổ, nhiệt tình giảng dạy với tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu, đã thắp sáng và đốt lửa cho  học sinh  hăng say học tập. Xin trích một số cảm tưởng của  học sinh lớp 10B ( khoá học năm đầu tiên, phát biểu trong dịp họp lớp (11/2002), sau 30 năm ra trường)

          “Trường chỉ có 12 lớp, 28 thầy cô giáo và cán bộ mà học sinh lớp nọ không biết lớp kia, không biết hết được các thầy cô trong trường, chỉ biết những thầy cô dạy lớp mình vì lúc ấy các lớp học được đặt “kín” trong vườn nhà dân cách xa nhau và rất ít có dịp tập trung học sinh toàn trường vì sợ bom Mỹ”. “Cái quý nhất lúc bấy giờ là trong khó khăn tưởng chừng không vượt qua, mà các thầy cô rất nhiệt tình giảng dạy, sáng tạo tìm tòi phương pháp giảng dạy hợp lý và chúng tôi học tập rất nghiêm túc với ý thức tự giác cao. Hình ảnh các thầy cô còn in đậm trong tâm khảm mỗi chúng tôi, lòng nhiệt tình say sưa với nghề nghiệp, đức hy sinh cao cả của thầy cô đã thắp sáng và đốt lửa cho chúng tôi, thúc giục chúng tôi vượt khó vươn lên trong học tập lúc bấy giờ và cả trong suốt quãng đường đời từ khi xa mái trường thân yêu PT cấp 3 Yên Định 2 đến nay...”. 

          Và trong bản tổng kết cuối năm học 1972 - 1973 của Thầy Nguyễn Thế Vũ (giáo viên Địa) có đoạn viết: “Năm học 1972 - 1973  tôi về trường cấp 3 Yên Định 2, một mình dạy 12 lớp (cả trường). Bản thân tôi không có sách giáo viên, không có sách giáo khoa, không có bản đồ, nhà trường cũng không có tiền mua giấy bản đồ, phải lo để soạn giảng...”, càng thấy rõ sự thiếu thốn và khó khăn.

3. Kết quả đạt được trong năm học 1972-1973

      Vượt lên những khó khăn và bằng nghị lực của chính mình. Năm học đầu tiên mùa gặt hái thu đầy thắng lợi: Tỷ lệ học sinh lớp 10 đậu tốt nghiệp: 80%. Chỉ có 2 lớp 10 (10A, 10B) vậy mà có 15 học sinh thi đậu ĐH, 10 học sinh đậu CĐ và

THCN.

       Đúng là càng gian khổ càng thành đạt. Trong số học sinh khoá đầu tốt nghiệp trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, phần lớn các học sinh phải tạm biệt mái trường, tạm biệt quê hương lên đường đánh Mỹ. Tuổi xuân để lại chiến trường rồi bước tiếp sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực, thắp sáng ngọn lửa mà thầy cô đã đốt cho mình. Đến nay trong số những học sinh khoá đầu của trường có rất nhiều người đã thật sự trưởng thành và thành đạt trong các lĩnh vực xã hội bằng chính sự vươn lên của mình. Theo kết quả điều tra của học sinh khoá 1 báo cáo cho trường trong dịp họp khoá gần đây (15/11/2011), trong số 90 học sinh khoá đầu ra trường đến nay:

   - Số học sinh có bằng ĐH trở lên là 50 người (trong đó 3 tiến sĩ, 15 thạc sĩ khoa học)

   - Giữ cương vị  P.chủ tịch UBND tỉnh, huyện, Giám đốc trong các cơ quan nhà nước và các công ty là 25 người;

   - Đang công tác trong ngành giáo dục với cương vị hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là 5 người, giảng viên các trường ĐH, CĐ là 6 người,

   - Cán bộ cao cấp trong quân đội là 10 người (Cấp tướng: 01; Cấp đại tá: 03).