Hoạt động của nhà trường trong những năm đình chiến
(Từ năm học 1973-1974 đến 1980-1981) 8 năm đóng tại xã Yên Trung Năm học đầu tiên trường mới thành lập là thời kỳ chiến tranh đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Toàn bộ hoạt động của nhà trường trong thời kỳ sơ tán, bằng sự cố gắng nỗ lực của thầy và trò và sự che chở của nhân dân nơi trường đóng, chúng ta đã kết thúc năm học đầy thắng lợi, đánh dấu một mốc son trong lịch sử của nhà trường làm tiền đề để sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường bước vững chắc trong những năm kế tiếp.
Chương 2:
HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ TRƯỜNG TRONG NHỮNG NĂM ĐÌNH CHIẾN
VÀ NHỮNG NĂM ĐẦU KHI ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT.
(Từ năm học 1973-1974 đến 1980-1981) 8 năm đóng tại xã Yên Trung
Năm học đầu tiên trường mới thành lập là thời kỳ chiến tranh đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Toàn bộ hoạt động của nhà trường trong thời kỳ sơ tán, bằng sự cố gắng nỗ lực của thầy và trò và sự che chở của nhân dân nơi trường đóng, chúng ta đã kết thúc năm học đầy thắng lợi, đánh dấu một mốc son trong lịch sử của nhà trường làm tiền đề để sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường bước vững chắc trong những năm kế tiếp.
Một sự kiện quan trọng đánh dấu sự thắng lợi của đất nước trên mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao và cũng là mốc lịch sử của nhà trường, là thời kỳ kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc chuyển sang thời kỳ đình chiến. Hiệp định Pari về chiến tranh Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973.
Điều kiện giảng dạy và học tập của nhà trường không còn phù hợp với quy mô yêu cầu ngày càng tăng của nhân dân vùng Yên, cùng với thời kỳ chiến tranh phá hoại đã kết thúc. Theo QĐ của UBND tỉnh và huyện Yên Định, trường chuyển về địa điểm mới tại xã Yên Trung, tiếp thu cơ sở của trường cấp 2 Yên Trung cũ, cách địa điểm cũ gần 500m. Cơ sở gồm 5 phòng học ngói. Thầy trò lại bắt tay vào khẩn trương làm lán học để kịp thời khai giảng năm học mới 1973 - 1974. Tám năm từ năm học 1973 - 1974 đến 1980 - 1981 trường đóng trên địa điểm mới tiếp tục có những khó khăn - đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đời sống của cán bộ giáo viên thiếu thốn cùng với sự khó khăn về kinh tế chung của cả nước đang dốc toàn bộ sức lực cho những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những năm đầu mới hoà bình, đặc biệt là những năm 79 - 80 - 81. Nhưng với tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ đảng viên cùng với sự tăng trưởng về số lượng học sinh từng năm học, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, ban giám hiệu và tập thể giáo viên, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, nhất là địa phương nơi trường đóng. Nhà trường đã chỉ đạo công tác giáo dục đào tạo theo tinh thần NQ4 của Đảng, thực hiện khẩu hiệu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Tập trung giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành. Ngoài thời gian dạy và học, nhà trường đã chú ý đến công tác lao động sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, giúp địa phương trong mùa vụ như chống hạn, chống lụt bão, làm giao thông, gặt lúa giúp dân. Đoàn thanh niên đã huy động nhiều ngày công lao động cộng sản giúp địa phương, gây quỹ, Công Đoàn tổ chức nấu vôi, nấu gạch, làm lúa... tăng thu nhập cải thiện đời sống cho giáo viên, tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Về quy mô đào tạo: Số học sinh đến trường ngày một tăng từ chỗ năm 72 -73 có 12 lớp và tăng dần 15 – 16 - 17 - đến 18 lớp (từ 578 học sinh đến gần 900 học sinh).
Đội ngũ giáo viên dần được tăng cường từ 28 cán bộ giáo viên tăng dần tới 50 người. Do điều kiện đất nước có nhiều khó khăn nhất là về kinh tế, đội ngũ giáo viên có nhiều biến động - sự hợp lý hoá gia đình, địa phương hoá đội ngũ, phần lớn số giáo viên những năm đầu đã thuyên chuyển về quê thay vào đó là những giáo viên trẻ, số lượng hàng năm tăng dần. Đội ngũ cán bộ quản lý cũng được bổ sung và có thay đổi chút ít. Thầy Nguyễn Văn Uẩn luôn giữ chức vụ hiệu trưởng trong thời gian này, phó hiệu trưởng là thầy Phạm Ngọc Căng từ 1975 chuyển lên trường C3 Nông Trường Thống Nhất làm hiệu trưởng - Thầy Nguyễn Hữu Chi được đề bạt làm phó hiệu trưởng. Tiếp đến năm 1980 thầy Trương Văn Nghiêm được đề bạt làm phó hiệu trưởng.
Về chất lượng dạy và học: Mặc dù trong điều kiện khó khăn, thầy trò đều hăng hái thi đua dạy tốt, học tốt, thực hiện tốt giáo dục toàn diện. Chất lượng giáo dục ngày một được nâng cao rõ rệt. Về văn hoá, chúng ta đã đạt được rất nhiều giải: giải nhì văn cá nhân (75-76), giải nhất môn Toán khối A, nhì Toán khối B, nhất môn Vật lý, nhì môn Hoá và đồng đội giải Nhất 3 môn Toán, Lý, Hoá (năm học 79-80) và có nhiều học sinh thi đỗ ĐH,CĐ. Nhiều tổ chuyên môn của trường đạt tổ tiên tiến, được Sở khen (tổ Lý, Hoá, Ngoại ngữ); Công đoàn, Đoàn thanh niên được công nhận là đơn vị xuất sắc. Hoạt động VHVN cũng được chú ý, có nhiều tiết mục đoạt giải trong các lần tham gia hội diễn toàn ngành...
Một vinh dự và đáng tự hào cho trường ta, cho quê hương Yên Định - nơi sinh ra, nơi nuôi dưỡng và đào tạo biết bao thế hệ học sinh trưởng thành trên mọi lĩnh vực của xã hội trong những năm đất nước có chiến tranh, biết bao học sinh phải tạm biệt bạn bè, tạm biệt mái trường thân yêu lên đường đánh Mỹ bảo vệ tổ quốc, chính các em đã lập nên những chiến công hiển hách làm rạng rỡ cho mái trường và quê hương. Tiêu biểu cho các thế hệ học sinh của trường là học sinh LưuThế Hà (con một gia đình trí thức ở Yên Bái) - bí thư chi đoàn lớp 9E (1975-1976), đã tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 1976, khi em vừa tròn 17 tuổi xuân. Biên giới Tây Nam vẫn chưa im tiếng súng, máu của đồng bào, đồng chí còn đổ xuống, tiểu đoàn cảnh sát cơ động của Hà được điều động từ thủ đô Hà Nội tăng cường truy quét bọn Fun rô ở Tây Nguyên vào một ngày hè 1977. Trận đánh cuối cùng sắp diễn ra khi anh đang lên cơn sốt rét - nhưng anh vẫn xung phong cùng đồng đội hành quân chiến đấu. Trận đánh diễn ra ác liệt, Hà bị thương 2 lần, nhưng Hà vẫn cố trườn lên ngắm chính xác, tiêu diệt bằng được tên thiếu tá cầm đầu bọn Fun rô. Hà nằm xuống trên đất cao nguyên khi vừa tròn 21 tuổi một cách thanh thản trước sự tiếc thương của đồng đội, của gia đình, của quê hương, của các thế hệ học sinh và các thầy cô giáo trường THPT Yên Định 2. Với những thành tích và sự hy sinh dũng cảm, Hà đã được nhà nước phong tặng “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Gương sáng của anh hùng liệt sĩ Lưu Thế Hà đã để lại cho các thế hệ học sinh trường THPT Yên Định 2 những bài học truyền thống quí báu:
Sống: Lạc quan, yêu đời, thương yêu đùm bọc đồng đội, là con ngoan hiếu nghĩa với gia đình.
Chiến đấu: Gan dạ, mưu trí, dũng cảm
Hy sinh: Thanh thản.